image banner
Thông tin về hành lang an toàn lưới điện cao áp

Điện là nguồn năng lượng thiết yếu trong đời sống xã hội hiện nay. Để vận hành dòng điện an toàn, liên tục thì hành lang lưới điện luôn phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về an toàn điện. Dưới đây là một số điều cần biết về hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP.

Theo Nghị định 14/2014, ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì lưới điện cao áp có điện áp từ 6kV trở lên và gồm có: đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm và trạm điện. Lưới điện cao áp này phải có hành lang bảo vệ an toàn trong quá trình vận hành.

Nghị định nêu rõ, hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được thiết lập bởi chiều dài, chiều rộng và chiều cao của hành lang. Trong đó, chiều dài hành lang đường dây dẫn điện trên không được tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm biến áp này đến vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm kế tiếp. 

Chiều rộng hành lang đường dây dẫn điện trên không được giới hạn bởi hai mặt phẳng thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh với cấp điện áp đến 22kV dây bọc là 1 mét, dây trần là 2 mét; cấp điện áp 35kV dây bọc là 1,5 mét, dây trần là 3 mét; cấp điện áp 110kV dây trần là 4 mét; cấp điện áp 220kV dây trần là 6 mét và cấp điện áp 500kV dây trần là 7 mét.

Chiều cao hành lang đường dây dẫn điện trên không được tính từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng với cấp điện áp đến 35kV là 2 mét, cấp điện áp 110kV là 3 mét, cấp điện áp 220kV là 4 mét và cấp điện áp 500kV là 6 mét.

Còn hành lang bảo vệ an toàn các loại cáp đi trên mặt đất hoặc treo trên không được giới hạn về các phía là 0,5 mét tính từ mặt ngoài của sợi cáp ngoài cùng.

Với đường cáp điện ngầm thì hành lang bảo vệ an toàn cũng được thiết lập bởi chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Trong đó, chiều dài hành lang đường cáp điện ngầm được tính từ vị trí cáp ra khỏi ranh giới phạm vi bảo vệ của trạm này đến vị trí vào ranh giới phạm vi bảo vệ của trạm kế tiếp.

Chiều rộng hành lang đường điện cáp ngầm được giới hạn bởi mặt ngoài của mương cáp (đối với cáp đặt trong mương cáp). Còn đối với cáp đặt trực tiếp trong đất hoặc trong nước thì hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng cách mặt ngoài của vỏ cáp hoặc sợi cáp ngoài cùng về hai phía của đường cáp điện ngầm như sau: nếu cáp đặt trực tiếp trong đất, đối với đất ổn định thì khoảng cách về hai phía là 1 mét, đối với đất không ổn định thì khoảng cách về hai phía là 1,5 mét; nếu cáp đặt trong nước, nơi không có tàu thuyền qua lại thì khoảng cách về hai phía là 20 mét và nơi có tàu thuyền qua lại thì khoảng cách về hai phía là 100 mét.

Về hành lang bảo vệ an toàn trạm điện được quy định: đối với trạm điện không có tường rào bao quanh thì hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện có cấp điện áp đến 22kV là 2 mét, cấp điện áp 35kV là 3 mét; đối với trạm điện có tường hoặc hàng rào cố định bao quanh thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến điểm ngoài cùng của móng, kè bảo vệ tường hoặc hàng rào.

Nhằm giảm thiểu tai nạn điện, đặc biệt trong dịp Hè, ngành Điện đưa ra một số khuyến cáo như sau:

- Không lợi dụng cột điện để làm nhà, lều quán bán hàng, buột gia súc; không phơi quần áo đồ dùng gần đường dây điện; không trồng cây và để cành cây, dây leo của gia đình phát triển gây ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây điện.

- Không xây dựng nhà, công trình gần đường dây điện; không lắp biển hiệu, biển quảng cáo gần đường dây điện; không chặt cây có nguy cơ ngã vào đường dây điện; không sử dụng các phương tiện thi công làm ảnh hưởng đến công trình điện.

- Khi thấy dây dẫn điện kéo vào nhà mình bị chạm vào tường, chạm vào cây xanh, chạm vào các vật liệu khác mà không có sứ cách điện thì không được đụng đến mà ngay lập tức thông báo ngay với đơn vị Điện lực tại địa phương, để kiểm tra và có biện pháp xử lý.

- Cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát, công tắc, ổ cắm điện trong gia đình phải đặt ở nơi khô ráo, thuận lợi cho việc sử dụng và dễ thao tác đóng cắt (phải đặt cách mặt đất ít nhất 1,5 mét tránh ngập úng). Chỉ được sửa chữa điện trong nhà sau khi cắt điện cầu dao, áp-tô-mát và kiểm tra phía sau cầu dao, áp-tô-mát không còn điện bằng bút thử điện chuyên dùng, chân tay khô ráo và chân đi giày hoặc dép khô.

- Các mối nối dây dẫn điện phải dùng băng cách điện bọc kín.

- Thường xuyên kiểm tra dây dẫn điện trong nhà để sửa chữa, thay thế kịp thời những khiếm khuyết, các bóng đèn chiếu sáng phải có chuôi đèn; thay thế các trụ gỗ đỡ dây dẫn điện bằng các trụ bê tông cốt thép; không được kéo dây dẫn điện sau công tơ mất an toàn điện (chia hơi) đến nhà người khác.

- Các thiết bị có vỏ bọc bằng kim loại thì phải được nối đất an toàn (motor điện, máy phát điện...).

- Không dùng điện để đánh bắt cá, bẫy chuột.

- Đối với mùa mưa bão: Không đứng trú mưa dưới cột điện, dưới trạm biến áp; trong khi mưa bão người dân nên ngắt nguồn điện (cắt cầu dao, cầu chì...) khu vực bị ngập nước trong nhà hoặc mưa dột. Cắt các nguồn điện cung cấp cho đường dây, thiết bị sử dụng điện ngoài trời như: các biển hiệu, biển quảng cáo... đề phòng rò điện gây nguy hiểm; không di chuyển đi lại bằng tàu, thuyền, bè... trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát gần với mặt nước để phòng tránh điện gây tai nạn; sửa chữa và thay thế các đường dây ra sau công tơ khi cột không đảm bảo chiều cao, bị mục, hoen rỉ, nghiêng ngã, đổ gẫy; khi sứ bị vỡ, nứt; khi dây dẫn cũ, hỏng lớp cách điện.

- Người dân không thực hiện đào ao, hồ để kinh doanh câu cá trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Mỗi cá nhân phải có ý thức tự bảo vệ bản thân, không câu cá trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp nhằm tránh tai nạn điện xảy ra.

- Các cơ sở doanh nghiệp có sử dụng xe cẩu, xe nâng, xe phun bê tông cần tập huấn kiến thức cho những người điều khiển vận hành xe phun bê tông, xe cẩu, xe nâng nắm bắt các quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, khoảng cách an toàn theo cấp điện áp, qua đó, đảm bảo các xe phun bê tông đang trong thời hạn kiểm định, được kiểm tra an toàn về mặt cơ khí đối với hệ thống vòi phun trước khi vận hành để phòng tránh trường hợp cực kỳ nguy hiểm là gãy đổ vòi phun khi đang ở phía trên đường dây điện cao áp. Các cơ sở doanh nghiệp có sử dụng xe cẩu, xe nâng, xe phun bê tông cần liên hệ với đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn để được hỗ trợ khảo sát hiện trường, hướng dẫn các biện pháp an toàn, cử người giám sát an toàn điện.

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0