image banner
Chuyên mục văn hóa giao thông

Kính thưa quý thính giả!

Văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng Văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông.

Theo Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, Văn hoá giao thông có ba tiêu chí: Một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hai là, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Ba là, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông của đô thị chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện, cho con người, vì con người.

Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông, thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Khi tham gia giao thông, mỗi người cần phải ứng xử có văn hóa, thể hiện tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau khi có người bị tai nạn... Ôn hòa, bình tĩnh, hợp tác khi giải quyết các vụ va chạm; nhường nhịn khi có sự cố trong quá trình tham gia giao thông, đồng thời tích cực tham gia vận động mọi người cùng thực hiện, đấu tranh. Lên án những hành vi thiếu văn hóa, những biểu hiện trái ngược với đạo đức khi tham gia giao thông như: Thái độ thờ ơ khi có người bị tai nạn trên đường, đặc biệt là hành vi gây tai nạn giao thông cho người khác rồi bỏ trốn khỏi hiện trường; Hành vi chống lại lực lượng cảnh sát giao thông sau khi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đối với người tham gia giao thông: Phải đi đúng làn đường, phần đường: tuân thủ quy định về tốc độ, dừng đỗ xe đúng, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường; không thực hiện các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cho mình và cộng đồng; thực hiện các quy định, nội quy tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đối với cư dân sinh sống ven đường, không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy; không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như: rải đinh trên đường; ném đất, đá lên tàu hỏa; xả rác, nước thải ra đường…

Xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người trong xã hội, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn giao thông, mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho cộng đồng.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0